..."Thiếu cảm xúc có đẹp đến mấy cũng chỉ là thứ vô hồn..."
Coffee Story giới thiệu:
DIỄN Ở SÂN ĐỜI
Tác giả: Việt Linh
Bài đăng trên TBKTSG số ra ngày 3-11-2016
(Hình minh hoạ: nguồn TBKTSG 3/11/2016)
Một trong những ngày đầu tiên học về diễn xuất ở Nga, thầy tôi - đạo diễn Vladimir Naoumov cho sinh viên bài tập khác thường: Từng đợt ba người lên sân khấu, đứng quay lưng về phía khán giả là thầy và các bạn đồng môn. Mỗi người, không chuyển động, không đối thoại, theo đuổi tâm trạng nào đó thật riêng tư, chân thành.
Lạ thay, sau hai phút, thầy đoán đúng hơn 90% cảm xúc, kể cả sinh viên lém lỉnh không suy nghĩ, hoặc sinh viên cố gắng diễn thầy cũng nhận ra biểu cảm giả hoặc trống rỗng! Qua bài tập này, tác giả các phim Bến bờ, Téhéran 43 muốn chứng minh cho học trò thấy có điện cảm giữa diễn viên và khán giả, và rằng cảm xúc thật là cái diễn viên không thể lừa dối người xem. Rằng sự thành thật/dối trá trong tim óc sẽ truyền ra khắp nhân dáng...
Cách đây vài năm Việt Nam có bộ phim đề tài đồng tính, với áp phích là bộ ba liên quan. Áp phích đẹp, sắc diện nhân vật thắm thiết, nhưng không gây cảm xúc, không khiến ta tin sự sâu sắc của (những) cuộc tình.
Bạn hỏi vì sao tôi nghĩ thế? Vì tất cả các bàn tay của ba người họ không đồng bộ với tình cảm yêu đương trên gương mặt, chúng chạm tiếp lơ lửng, ơ hờ... Về chuyện này tôi có kinh nghiệm lớn ở phim truyện nhựa Nơi bình yên chim hót: Trong cảnh nằm võng ôm con gái nhỏ nhớ con trai lớn vừa nhập ngũ, diễn viên B. đóng vai cha đã khóc nhưng tôi muốn quay lại. Chủ nhiệm cạu cọ tiếc phim, anh B. cau có tự ái bởi rõ ràng diễn viên nổi tiếng như anh có rơi nước mắt. Tôi nói anh khóc thật nhưng bàn tay ôm con lạnh ngắt, không chỉ dấu trìu mến. Sau khi xem lại hình kiểm tra, anh B. công nhận cô đạo diễn đàn em đúng, thú nhận xưa nay anh không để ý chuyện tay chân, mặt mũi phải... khớp nhau.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, với lý do yêu ngựa, cô người mẫu đẹp đẹp tung loạt ảnh khỏa thân với ngựa đẹp. Nhiều người phê phán cô vi phạm thuần phong mỹ tục, tôi thì thấy cô phĩnh... ngựa! Ai đời nói yêu thương mà không ảnh nào mắt cô nhìn thẳng ngựa, tay chạm lửng lơ, thân uốn éo gợi tình trên cái “nền nghệ thuật” là con ngựa ngơ ngác. Người xem không tin cô yêu ngựa không chỉ bởi đôi tay lạnh, đôi mắt rỗng, mà còn vì ảnh được chăm chút chi li bởi ê-kíp. Trong khi cũng là ảnh, nhưng hình cô bé ba tuổi đội khăn tang hôn ảnh cha giữa tòa án, trong vụ xử công an địa phương đánh người lại khiến ta tê tái. Không bố cục đẹp, không ai trong khung hình quan tâm bé hôn ảnh. Nó lẳng lặng sống. Lẳng lặng thương nhớ cha...
Ngày nay, với kỹ thuật ghi hình tiện lợi, những bức ảnh, đoạn phim tự nó phô bày hết sự thật cho dù ta cố ý đánh tráo bằng uyển ngữ hay xảo ngữ. Xúc cảm cứ thế lồ lộ chứ không cần kỹ năng sư phạm như cách thầy tôi thực nghiệm với sinh viên.
Hồi làm việc cho Xưởng phim Giải phóng ở chiến khu, Giám đốc Mai Lộc thường không cho bộ phận dựng phim chúng tôi sử dụng một số thước phim do phóng viên mặt trận mang về. Ông nói chúng giả, dù rầm rập xung phong, súng ống, khói lửa... Hỏi ông giám đốc kiêm đạo diễn dựa trên cái chi nói giả. Ông trả lời đôi mắt - những đôi mắt không có đối tượng căm thù phía trước! Nửa thế kỷ xưa cái giả tạo đã không khó nhận ra, vậy mà nay, giữa muôn trùng khả năng đối chứng, truyền thông ta thi thoảng vẫn ngang nhiên sử dụng cảnh dàn diễn, mà hậu quả chỉ làm bớt lòng tin, tạo thêm nhiều chuyện phiếm...
Trong nhiều thứ khó hiểu trên xứ sở nọ, tôi hay nhớ những cuốn sổ be bé và cây viết ngăn ngắn trong tay các quan chức vây quanh lãnh đạo. Tự hỏi họ ghi gì trong mấy trang giấy mỏng tang? Và nếu mỗi lần nghe mỗi ghi thì họ đã ghi được bao nhiêu cuốn, đem cất chúng ở đâu trong ngồn ngộn tháng năm? Hỏi cho vui chứ câu trả lời khá rõ: Diễn tập thể. Có ai tổng kết một ngày, chúng ta phải khóc/cười bao nhiêu hoạt kịch?