Nguyễn Quang Bình

Kính gởi Ban Biên Tập giacaphe.com,

Có nhiều lúc tôi rất muốn tham gia “phản hồi” với cộng đồng, nghĩ định viết rồi lại thôi. Vì sao? Tôi thấy trong nhiều phản hồi của độc giả, là những người tham gia thị trường từ nhiều góc độ khác nhau, hầu như đều có một điểm chung: tôi đích thị là người mua bán, sản xuất cà phê…nhưng đối với một người ngoài, khi đọc một số bài viết, lời bình trên trang tin này, thì hình như đấy là một thị trường của “cảm giác”, của những cảm xúc riêng tư.

Không thấy sao khi các bạn đọc lại nhưng bình luận, phản hồi, tham gia góp ý của mình, đều toàn những từ “hy vọng”, “cầu mong”, “phấn khởi”, “chán chường”, “lo âu”, “trăn trở”, “khổ sở”…hãy đọc lại phần tham gia của quý độc giả mới thấy mình sống với cảm giác nhiều quá. (Xin xem lại phần phản hồi đối với bài viết “Giá cà phê đi về đâu trong năm nay”)


Ai lại không sống theo cảm giác? Đúng rồi. Nhưng có nhiều bạn buộc người khác phải có chung một cảm giác với chính mình. Thế mới căng chứ! Nếu bạn buồn tôi phải buồn theo, nếu bạn “lo âu”, tôi phải lo âu cùng…Không thì tôi ném đá! Liệu có công bằng không?

Nên nhớ trên thị trường chỉ có hai động tác: hoặc bạn bán, hoặc bạn mua. Nếu bạn bán cho người khác mua xong, giá rớt, bạn là người giỏi giang và may mắn. Nếu bạn mua xong, giá lên, bạn là thiên tài. Thế thôi!

Nên, bao lâu bạn sống với cảm giác và yêu cầu người khác hỉ nộ ái ố đồng nhịp với bạn vì bạn tham gia thị trường, vì bạn đã mua hay bán, hay sẽ mua hay bán…thì nhiều người sẽ không ngại nói dối và chỉ viết cho bạn đọc toàn những cảm giác. Mà cảm giác thì có đúng, có sai, và có trung tính, có niềm tin và hy vọng…Khác với mua bán, được và mất.

Người viết chỉ báo hiện tượng và số liệu, mất công cập nhật cho bạn các thông số, việc bạn quyết định để mất hay được, thắng hay thua là quyền của bạn. Thế mà nhiều bạn bắt người khác “tiếc dùm”, thậm chí quyết định sai, lại đem người ta ra để đấu tố, bôi nhọ, chụp mũ, phỉ báng này kia…

Tôi không thể khuyên các bạn dừng chuyện ấy. Nhưng chỉ mong chờ (lại cầu mong nữa đây?) những bình luận có những phân tích sâu, góp ý chân thành, có số liệu dẫn chứng, phản biện để nói rằng bài viết hay góp ý nào đó chưa hoàn hảo, v.v…thay vì quy kết nhanh để thỏa mãn cảm giác buồn giận, vui sướng… của mình.

Khi một người tham gia thị trường theo cảm giác (nếu đánh bạc thì theo cảm giác con bài), thì thường ngộ nhận nhiều thứ.

Tôi lấy thí dụ như ngày nào bạn cũng nghe tin đây đó “nguồn cung thắt chặt”, “nguồn cung dư thừa”, nhưng phải nhận định “cung” ở đấy là “cung” của thị trường nào, thị trường hàng thực hay thị trường hàng giấy (kỳ hạn).

“Cung” sàn hàng giấy không phải là cung của hàng thực vì “cung” ở đấy được xây nên bằng lượng tiền. Tiền đổ vào nhiều, đặt cược nhiều, giá tăng nhờ thanh khoản mạnh. Nếu nói đấy là hàng thực, thì đó là một ngộ nhận lớn.

Ngay chuyện sản lượng, hiện nay có nhiều người tưởng nói nhỏ đi sản lượng là giá tăng. Không phải thế. Chứng minh: nhiều người đang thuyết phục thế giới đang hạn hán mất mùa, sao giá vẫn giảm mấy ngày rày?

Một vấn đề khác nữa: nhiều đồng nghiệp của bạn tại Brazil đang nóng ruột vì hạn hán đã làm mất nhân. Tôi có theo đường dẫn để xem trên youtube mà giacaphe.com giới thiệu. Đúng thế thật! Nhưng chỉ một vườn. Đôi khi ở khu khác không như thế, thì sao? Hay…năm nào ta cũng nghe hạn hán tại Chư Mnga nhưng năm nào ở vùng đấy cũng là vựa cà phê trọng điểm! Từng vườn có thể có vười thiếu nước, nhưng có vườn không…

Nên, khi nhận định, rất cần có một bức tranh chung khả dĩ đầy đủ các yếu tố không chỉ thông số khí tượng thủy văn của nhiều vùng, mà xem Brazil có bán mạnh không. Vì…nếu bán mạnh, tức ảnh hưởng hạn hán có thể ít hay hàng tồn trước đây còn rất nhiều…

Dù sao, tôi không muốn đưa bài này lên để thuyết phục các bạn mua hay bán, để làm thầy bói nói giá lên hay xuống…

Vì sao? Thế giới đang liêu xiêu với thị trường tài chính. Thị trường này càng lúc càng tạo nên một nền kinh tế “ảo” (mới gây khủng hoảng hiện nay phải không?) và làm rung chuyển, phù du các kế hoạch và định hướng của nền kinh tế kế hoạch vốn đã tồn tại lâu nay.
Nguồn: http://giacaphe.com/41789/mua-ban-ca-phe-hay-mua-ban-cam-giac/



========
BÀI ĐỌC KHÁC TỪ QUẢ TÁO TRI THỨC:
 
Top