Góc Cafe': Những ký ức về một thành phố cổ kính và thơ mộng bên bờ sông Neva lại ùa về...
(TBKTSG) - Đã cuối tháng Mười. Giữa trưa mà trời khá lạnh. Nhiệt độ đâu đó 1-2 độ C với hơi ẩm nằng nặng trong không khí, lan đi như màn sương đùng đục, phủ một màu mây lên các tòa nhà cổ và những ánh vòm nhà thờ chính thống giáo. Tôi lững thững đi từ quảng trường trước Tòa Thị chính Saint-Petersburg, nhìn đối diện qua một công viên nhỏ là nhà thờ Saint Isaac, và cứ thế lang thang ra đại lộ Nevski - con đường ồn ã, đông khách du lịch nhất của thành phố phương Bắc, một thời là cố đô Nga này. “Đừng đụng vào cây mùa lá rụng”
Qua nhà thờ Kazanski, rẽ trái là vào một con phố nằm hai bên bờ kênh Griboyedov nhiều người đi bộ, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tiến lên chút nữa là một trong những lối vào của Viện Bảo tàng nước Nga Russian Museum và nhìn dướn lên, ngay trước mắt là nhà thờ Savior on the Spilled Blood.
Chiều hôm trước tôi đã không tin nổi vào mắt mình khi thấy một hàng dài vài trăm người, già có, trẻ có, trung niên có đứng trong gió lạnh, chờ đến lượt vào xem triển lãm tranh của hai họa sĩ Nga nào đó rất nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Ồ, không phải vào cửa miễn phí đâu nhé. Mua vé đàng hoàng, dù giá chỉ vài đô la Mỹ. Tôi hỏi một chàng trai ngoài 20 tuổi rằng cậu đứng xếp hàng để vào bảo tàng, cậu gật, nói lần đầu tiên người ta trưng bày bộ sưu tập của hai họa sĩ kia. Đi thêm một đoạn, tôi bắt chuyện với hai người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang xoa tay vào nhau, chừng để xua đuổi cái lạnh đang ngấm khắp nơi. Một bà nói đã đứng trong hàng nửa tiếng rồi, chắc sắp được vào.
Người dân Saint-Petersburg không giống nơi khác, và nhất là không giống người Mátxcơva. Dường như trong họ vẫn tồn tại dòng máu quí tộc của một miền đất cố đô hàng trăm năm của nước Nga những thế kỷ trước chưa phai nhạt. Viện bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, rượu vodka, nhà thơ, nhà văn, nhà hát, kiến trúc cổ, nhà thờ, những bức tượng, những lâu đài hoàng gia ở ngoại ô, những khu vườn... Ôi trời, cái thành phố có hàng trăm nơi đáng để đến thăm, đáng để đặt chân tới một lần cho biết, rồi không nỡ dời đi, cứ nấn ná hoài, thây kệ thời gian, không gian, thây kệ những chuyển động quanh cuộc sống lúc tĩnh lặng, khi cuồn cuộn, khi réo rắt, lúc bập bùng như âm thanh của tiếng đàn guitar của những người chơi dạo trên phố. Họ chắc không sống bằng những đồng tiền của khách qua đường. Họ có lẽ gảy guitar để thỏa mãn một nhu cầu âm nhạc riêng mình. Tôi nhớ cái tối đi nghe hòa nhạc ở Malưi Zal. Lúc đi nghe thấy tiếng guitar của một người đàn ông nơi góc phố. Ba tiếng sau trở về, đi ngang, anh ta vẫn còn đứng đó, dạo một bản metal khá nặng. Khoảng 23 giờ khuya, khách đi bộ đã không còn chậm bước, tiếng giày thu và đông cao gót của các cô gái gõ trên hè đường nghe loáng choáng, vội vã, bất định.
Băng qua Mikhaylovskiy Garden, rảo bước vài trăm mét, đôi chân đưa đẩy người ta đến Summer Garden. Tôi đã ở đó mùa hè năm 1985, mùa hè đầu tiên ở Leningrad - tên gọi ngày ấy của Saint-Petersburg - nhưng tịnh không thể nhớ nổi một mảy may ký ức nào. Thời gian đã xóa nhòa những miền hồi tưởng hay bởi người ta không thể nghĩ đến, nhớ lại bất cứ thứ gì khác ngoài đắm chìm vào vòng vây của những chiếc lá vàng cứ lắc lư, lắc lư, lượn nhẹ trong không trung trước khi buông mình trên những con đường đã quyện sánh một màu vàng khiến bước chân nhẹ tâng, nhẹ nữa. Ai đó đi bên cạnh lên tiếng nhìn lá rơi, dâng lên nỗi tiếc nuối mùa hè đã qua mà chưa làm được nhiều việc phải làm, là hoài niệm về quá khứ. Có phải thế không? Tôi lắng nghe tiếng thu lẩn quất, lúc cao lúc thấp, tan ra trong chiều thẳng đứng của những hàng cây và bất chợt ùa về những câu thơ của Olga Berggoltz “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng”...
Quán cà phê Coffee House Art
Saint-Petersburg có nhiều cung điện ẩn chứa trong nó chiều dài lịch sử, không chỉ lịch sử nước Nga trước Cách mạng tháng Mười, mà cả lịch sử phần nào của châu Âu với những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối của các hoàng tử, công chúa nhằm đổi lấy hòa bình hay đất đai hay cả vùng bờ cõi gây nhiều tranh cãi. Petergov, Pushkin Catherine Palace là những địa điểm như vậy. Petrodvorets trong ánh chiều tà lóng lánh sắc vàng, thứ màu vàng bừng sáng cả những góc khuất của những lối đi. Ở đây vẫn có những người lao công nhẫn nại quét lá rụng, vun thành từng đống, hốt vào xe cút kít hoặc những bao tải. Chẳng có bóng dáng thứ máy móc hiện đại nào, cũng không nghe tiếng động hay âm thanh thiết bị nào. Thuần là con người với một trời thu mênh mang, thiên nhiên trộn lẫn đất, rừng, lâu đài cổ và đi đến cuối bìa rừng là biển. Từ đây tàu lớn có thể chạy sang đất Phần Lan. Trên bộ, khoảng cách giữa Phần Lan và Saint-Petersburg cỡ chừng 600 ki lô mét, đi xe lửa mất 5-6 giờ tùy loại. Saint-Petersburg vẫn chưa có TGV, chứ với TGV quãng đường nối bờ nọ của nước này với bờ kia của nước khác chỉ tốn 2 giờ.
Rồi một ngày trong tuần khi thời gian sắp cạn, tôi bỗng nhận ra mình nôn nao, bị hối thúc bởi cảm giác phải quay lại Summer Garden lần nữa. Công bằng mà nói, khu vườn bên dòng sông Neva không rộng như lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris, hồ nước bên trong cũng nhỏ, chỉ đám vịt giời và bồ câu là béo tròn mập mạp, rất đặc trưng Nga. Chúng phải mập thế, khỏe thế để chống chọi với tuyết lạnh nước Nga, nhiệt độ âm 20-30 độ C là bình thường.
Có những thời điểm cảm giác không thể hiểu nổi, không lý giải được, sự mông lung khiến ta bối rối và đầu óc tưởng chừng bay bổng nhưng lại hoàn toàn trống rỗng. Khi ăn một miếng cá sống phết nhiều mù tạt Wasabi của Nhật, vị cay không chỉ đọng lại trong miệng, nó sộc thẳng lên óc, bùng nổ, làm chảy nước mắt, rồi sau đó là tĩnh lặng ngắn ngủi, thư thái yên bình. Tôi có cảm giác ấy kể từ một buổi chiều đi không đếm bước trong Summer Garden. Gió tạt vào mặt, lạnh buốt, mây vần vũ chỉ muốn sà xuống tà tà mặt đất, mà lại cảm thấy vô cùng dễ chịu, như thể hai gò má được mơn man bởi những nụ hôn vô hình.
Từ giữa vườn đã nhìn thấy Coffee House Art. Đấy là quán cà phê đầu tiên của Saint-Petersburg được xây dựng đầu thế kỷ 19. Nó đúng là một nơi dừng chân lý tưởng với lò sưởi ấm áp để thưởng thức một tách trà với miếng bánh ngọt hay một ly cà phê vào lúc cái lạnh đang dồn tụ bên ngoài. Ở góc quán người ta chơi nhạc jazz. Một người bạn bảo jazz là loại nhạc đi tìm một lý do trong sự tồn tại không có lý do. Sao mà triết lý thế nhỉ?
Tôi không thích jazz. Tôi bị lôi cuốn bởi khuôn mặt đẹp và dáng dấp quý tộc của một người phụ nữ dễ ngoài 70 tuổi ngồi ở cái bàn cạnh cửa ra vào, dịu dàng quan sát tất cả mọi vị khách trong quán. Bà vươn tay, nhắc khẽ một người đàn ông vừa bước vô, đóng cánh cửa ra vào kẻo tiếng nhạc jazz có thể bay ra ngoài mất! Người đàn ông mỉm cười. Không gian chật chội, nhàn rỗi và thảnh thơi. Ngay cả đến cái bánh sừng trâu mà người phục vụ vừa mang tới hình như cũng đậm bơ hơn cái bánh bữa sáng ở khách sạn.
Lenin trên ban công Kshesinskaya Mansion
Một lần đi bộ, vô tình phát hiện ra chi nhánh của Viện Bảo tàng lịch sử chính trị nước Nga (Museum of Political History of Russia) mang tên Top Secret. Nó gồm bốn gian, nằm trong tòa nhà nguyên là trụ sở đầu tiên của chi nhánh KGB tại Saint-Petersburg. Ở gian cuối cùng, tôi đánh bạo ngồi lên chiếc divan dài với lớp da cũ kỹ. Bà trông coi bảo tàng nghiêm mặt, giận lắm, bà bảo nó có từ năm 1918, nó là lịch sử, tôi không được phép sờ mó chứ đừng nói ngồi lên. Thấy tôi xin lỗi rối rít với vẻ mặt ăn năn, cuối cùng bà cũng cười và bắt đầu thuyết trình bằng giọng nói sang sảng. Tôi không chú ý lắm những gì bà nói, chỉ thấy lâng lâng cảm giác thú vị được ngồi trên cái divan của Sở Công an Saint-Petersburg ngay sau Cách mạng tháng Mười và sau này là chi nhánh KGB.
Tôi mua một hộp lớn bao diêm đủ mọi kích cỡ với posters tranh cổ động trên bề mặt. Nó rẻ rề, chưa tới 3 đô la Mỹ. Hôm ở Russian Museum, hỏi một bà già bán hàng tại quầy lưu niệm về loại posters này, bà thản nhiên: “Liên bang Xô Viết không còn nữa, giờ chúng tôi không sản xuất tranh cổ động”. Ra vậy. Nhưng Museum of Political History of Russia có một bộ sưu tập posters rất hoành tráng. Khi đến tận nơi xem, thì cô hướng dẫn viên giải thích bảo tàng không còn trưng bày, cất đi mất rồi.
Trong Museum of Political History of Russia có một nơi không thể bỏ qua: phòng làm việc của Lenin trong khoảng thời gian ba tháng của năm 1917. Phía ngoài là ban công mà ông đã đứng diễn thuyết. Hỏi người hướng dẫn trong bảo tàng có đúng những cái ghế này, bàn này, đèn bàn và điện thoại này, ấm đun nước đặt cạnh cửa sổ này là có từ thời Lenin ở đây, ông gật đầu. Ông còn chỉ cho xem bức tranh Lenin diễn thuyết giơ tay về phía trước trên ban công của Kshesinskaya Mansion trong đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4-4-1917 của họa sĩ A.M.Lyubimov vẽ năm 1937. Ông dẫn tôi về phía ban công, nói nếu thích tôi có thể chụp ảnh, nhưng ông không thể mở cửa ra ban công. Quy định của bảo tàng mà.
Lúc ra về, tôi nhìn bên ngoài bảo tàng, tòa nhà cổ ba tầng màu xám, màu Saint-Petersburg trong cuối thu đầu đông. Khi Lenin ở đây, tên nó là Kshesinskaya Mansion.
Hải Lý www.thesaigontimes.vn
(TBKTSG) - Đã cuối tháng Mười. Giữa trưa mà trời khá lạnh. Nhiệt độ đâu đó 1-2 độ C với hơi ẩm nằng nặng trong không khí, lan đi như màn sương đùng đục, phủ một màu mây lên các tòa nhà cổ và những ánh vòm nhà thờ chính thống giáo. Tôi lững thững đi từ quảng trường trước Tòa Thị chính Saint-Petersburg, nhìn đối diện qua một công viên nhỏ là nhà thờ Saint Isaac, và cứ thế lang thang ra đại lộ Nevski - con đường ồn ã, đông khách du lịch nhất của thành phố phương Bắc, một thời là cố đô Nga này. “Đừng đụng vào cây mùa lá rụng”
Qua nhà thờ Kazanski, rẽ trái là vào một con phố nằm hai bên bờ kênh Griboyedov nhiều người đi bộ, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tiến lên chút nữa là một trong những lối vào của Viện Bảo tàng nước Nga Russian Museum và nhìn dướn lên, ngay trước mắt là nhà thờ Savior on the Spilled Blood.
Chiều hôm trước tôi đã không tin nổi vào mắt mình khi thấy một hàng dài vài trăm người, già có, trẻ có, trung niên có đứng trong gió lạnh, chờ đến lượt vào xem triển lãm tranh của hai họa sĩ Nga nào đó rất nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Ồ, không phải vào cửa miễn phí đâu nhé. Mua vé đàng hoàng, dù giá chỉ vài đô la Mỹ. Tôi hỏi một chàng trai ngoài 20 tuổi rằng cậu đứng xếp hàng để vào bảo tàng, cậu gật, nói lần đầu tiên người ta trưng bày bộ sưu tập của hai họa sĩ kia. Đi thêm một đoạn, tôi bắt chuyện với hai người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang xoa tay vào nhau, chừng để xua đuổi cái lạnh đang ngấm khắp nơi. Một bà nói đã đứng trong hàng nửa tiếng rồi, chắc sắp được vào.
Người dân Saint-Petersburg không giống nơi khác, và nhất là không giống người Mátxcơva. Dường như trong họ vẫn tồn tại dòng máu quí tộc của một miền đất cố đô hàng trăm năm của nước Nga những thế kỷ trước chưa phai nhạt. Viện bảo tàng nghệ thuật, lịch sử, rượu vodka, nhà thơ, nhà văn, nhà hát, kiến trúc cổ, nhà thờ, những bức tượng, những lâu đài hoàng gia ở ngoại ô, những khu vườn... Ôi trời, cái thành phố có hàng trăm nơi đáng để đến thăm, đáng để đặt chân tới một lần cho biết, rồi không nỡ dời đi, cứ nấn ná hoài, thây kệ thời gian, không gian, thây kệ những chuyển động quanh cuộc sống lúc tĩnh lặng, khi cuồn cuộn, khi réo rắt, lúc bập bùng như âm thanh của tiếng đàn guitar của những người chơi dạo trên phố. Họ chắc không sống bằng những đồng tiền của khách qua đường. Họ có lẽ gảy guitar để thỏa mãn một nhu cầu âm nhạc riêng mình. Tôi nhớ cái tối đi nghe hòa nhạc ở Malưi Zal. Lúc đi nghe thấy tiếng guitar của một người đàn ông nơi góc phố. Ba tiếng sau trở về, đi ngang, anh ta vẫn còn đứng đó, dạo một bản metal khá nặng. Khoảng 23 giờ khuya, khách đi bộ đã không còn chậm bước, tiếng giày thu và đông cao gót của các cô gái gõ trên hè đường nghe loáng choáng, vội vã, bất định.
Băng qua Mikhaylovskiy Garden, rảo bước vài trăm mét, đôi chân đưa đẩy người ta đến Summer Garden. Tôi đã ở đó mùa hè năm 1985, mùa hè đầu tiên ở Leningrad - tên gọi ngày ấy của Saint-Petersburg - nhưng tịnh không thể nhớ nổi một mảy may ký ức nào. Thời gian đã xóa nhòa những miền hồi tưởng hay bởi người ta không thể nghĩ đến, nhớ lại bất cứ thứ gì khác ngoài đắm chìm vào vòng vây của những chiếc lá vàng cứ lắc lư, lắc lư, lượn nhẹ trong không trung trước khi buông mình trên những con đường đã quyện sánh một màu vàng khiến bước chân nhẹ tâng, nhẹ nữa. Ai đó đi bên cạnh lên tiếng nhìn lá rơi, dâng lên nỗi tiếc nuối mùa hè đã qua mà chưa làm được nhiều việc phải làm, là hoài niệm về quá khứ. Có phải thế không? Tôi lắng nghe tiếng thu lẩn quất, lúc cao lúc thấp, tan ra trong chiều thẳng đứng của những hàng cây và bất chợt ùa về những câu thơ của Olga Berggoltz “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng”...
Quán cà phê Coffee House Art
Saint-Petersburg có nhiều cung điện ẩn chứa trong nó chiều dài lịch sử, không chỉ lịch sử nước Nga trước Cách mạng tháng Mười, mà cả lịch sử phần nào của châu Âu với những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối của các hoàng tử, công chúa nhằm đổi lấy hòa bình hay đất đai hay cả vùng bờ cõi gây nhiều tranh cãi. Petergov, Pushkin Catherine Palace là những địa điểm như vậy. Petrodvorets trong ánh chiều tà lóng lánh sắc vàng, thứ màu vàng bừng sáng cả những góc khuất của những lối đi. Ở đây vẫn có những người lao công nhẫn nại quét lá rụng, vun thành từng đống, hốt vào xe cút kít hoặc những bao tải. Chẳng có bóng dáng thứ máy móc hiện đại nào, cũng không nghe tiếng động hay âm thanh thiết bị nào. Thuần là con người với một trời thu mênh mang, thiên nhiên trộn lẫn đất, rừng, lâu đài cổ và đi đến cuối bìa rừng là biển. Từ đây tàu lớn có thể chạy sang đất Phần Lan. Trên bộ, khoảng cách giữa Phần Lan và Saint-Petersburg cỡ chừng 600 ki lô mét, đi xe lửa mất 5-6 giờ tùy loại. Saint-Petersburg vẫn chưa có TGV, chứ với TGV quãng đường nối bờ nọ của nước này với bờ kia của nước khác chỉ tốn 2 giờ.
Rồi một ngày trong tuần khi thời gian sắp cạn, tôi bỗng nhận ra mình nôn nao, bị hối thúc bởi cảm giác phải quay lại Summer Garden lần nữa. Công bằng mà nói, khu vườn bên dòng sông Neva không rộng như lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris, hồ nước bên trong cũng nhỏ, chỉ đám vịt giời và bồ câu là béo tròn mập mạp, rất đặc trưng Nga. Chúng phải mập thế, khỏe thế để chống chọi với tuyết lạnh nước Nga, nhiệt độ âm 20-30 độ C là bình thường.
Có những thời điểm cảm giác không thể hiểu nổi, không lý giải được, sự mông lung khiến ta bối rối và đầu óc tưởng chừng bay bổng nhưng lại hoàn toàn trống rỗng. Khi ăn một miếng cá sống phết nhiều mù tạt Wasabi của Nhật, vị cay không chỉ đọng lại trong miệng, nó sộc thẳng lên óc, bùng nổ, làm chảy nước mắt, rồi sau đó là tĩnh lặng ngắn ngủi, thư thái yên bình. Tôi có cảm giác ấy kể từ một buổi chiều đi không đếm bước trong Summer Garden. Gió tạt vào mặt, lạnh buốt, mây vần vũ chỉ muốn sà xuống tà tà mặt đất, mà lại cảm thấy vô cùng dễ chịu, như thể hai gò má được mơn man bởi những nụ hôn vô hình.
Từ giữa vườn đã nhìn thấy Coffee House Art. Đấy là quán cà phê đầu tiên của Saint-Petersburg được xây dựng đầu thế kỷ 19. Nó đúng là một nơi dừng chân lý tưởng với lò sưởi ấm áp để thưởng thức một tách trà với miếng bánh ngọt hay một ly cà phê vào lúc cái lạnh đang dồn tụ bên ngoài. Ở góc quán người ta chơi nhạc jazz. Một người bạn bảo jazz là loại nhạc đi tìm một lý do trong sự tồn tại không có lý do. Sao mà triết lý thế nhỉ?
Tôi không thích jazz. Tôi bị lôi cuốn bởi khuôn mặt đẹp và dáng dấp quý tộc của một người phụ nữ dễ ngoài 70 tuổi ngồi ở cái bàn cạnh cửa ra vào, dịu dàng quan sát tất cả mọi vị khách trong quán. Bà vươn tay, nhắc khẽ một người đàn ông vừa bước vô, đóng cánh cửa ra vào kẻo tiếng nhạc jazz có thể bay ra ngoài mất! Người đàn ông mỉm cười. Không gian chật chội, nhàn rỗi và thảnh thơi. Ngay cả đến cái bánh sừng trâu mà người phục vụ vừa mang tới hình như cũng đậm bơ hơn cái bánh bữa sáng ở khách sạn.
Lenin trên ban công Kshesinskaya Mansion
Một lần đi bộ, vô tình phát hiện ra chi nhánh của Viện Bảo tàng lịch sử chính trị nước Nga (Museum of Political History of Russia) mang tên Top Secret. Nó gồm bốn gian, nằm trong tòa nhà nguyên là trụ sở đầu tiên của chi nhánh KGB tại Saint-Petersburg. Ở gian cuối cùng, tôi đánh bạo ngồi lên chiếc divan dài với lớp da cũ kỹ. Bà trông coi bảo tàng nghiêm mặt, giận lắm, bà bảo nó có từ năm 1918, nó là lịch sử, tôi không được phép sờ mó chứ đừng nói ngồi lên. Thấy tôi xin lỗi rối rít với vẻ mặt ăn năn, cuối cùng bà cũng cười và bắt đầu thuyết trình bằng giọng nói sang sảng. Tôi không chú ý lắm những gì bà nói, chỉ thấy lâng lâng cảm giác thú vị được ngồi trên cái divan của Sở Công an Saint-Petersburg ngay sau Cách mạng tháng Mười và sau này là chi nhánh KGB.
Tôi mua một hộp lớn bao diêm đủ mọi kích cỡ với posters tranh cổ động trên bề mặt. Nó rẻ rề, chưa tới 3 đô la Mỹ. Hôm ở Russian Museum, hỏi một bà già bán hàng tại quầy lưu niệm về loại posters này, bà thản nhiên: “Liên bang Xô Viết không còn nữa, giờ chúng tôi không sản xuất tranh cổ động”. Ra vậy. Nhưng Museum of Political History of Russia có một bộ sưu tập posters rất hoành tráng. Khi đến tận nơi xem, thì cô hướng dẫn viên giải thích bảo tàng không còn trưng bày, cất đi mất rồi.
Trong Museum of Political History of Russia có một nơi không thể bỏ qua: phòng làm việc của Lenin trong khoảng thời gian ba tháng của năm 1917. Phía ngoài là ban công mà ông đã đứng diễn thuyết. Hỏi người hướng dẫn trong bảo tàng có đúng những cái ghế này, bàn này, đèn bàn và điện thoại này, ấm đun nước đặt cạnh cửa sổ này là có từ thời Lenin ở đây, ông gật đầu. Ông còn chỉ cho xem bức tranh Lenin diễn thuyết giơ tay về phía trước trên ban công của Kshesinskaya Mansion trong đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4-4-1917 của họa sĩ A.M.Lyubimov vẽ năm 1937. Ông dẫn tôi về phía ban công, nói nếu thích tôi có thể chụp ảnh, nhưng ông không thể mở cửa ra ban công. Quy định của bảo tàng mà.
Lúc ra về, tôi nhìn bên ngoài bảo tàng, tòa nhà cổ ba tầng màu xám, màu Saint-Petersburg trong cuối thu đầu đông. Khi Lenin ở đây, tên nó là Kshesinskaya Mansion.
Hải Lý www.thesaigontimes.vn